Bài viết này được cung cấp bởi bạn Phan Anh Huy, hiện là sinh viên Đại học McGill, hiện bạn đã học tập tại Canada sang năm thứ 5. Bài viết này như một món quà Huy gửi tặng Văn phòng Tư vấn Du học AIT và các em du học sinh chuẩn bị sang Canada học tập. Đây là những trải nghiệm cá nhân từ Huy, tuy nhiên Văn phòng Du học AIT tin chắc rằng đây cũng sẽ là những thông tin rất cần thiết mà nhiều bạn sinh viên quan tâm.
Khi các bạn đặt chân tới Canada, những điều các bạn làm càng sớm càng tốt là
- Mở thẻ ngân hàng
- Lên kế hoạch chi tiêu
- Đăng ký môn học (nếu chưa đăng ký)
- Làm thẻ xe buýt
- Làm sim điện thoại
- Ra sở thuế lấy số SIN (social insurance number) để đi làm
Chúng ta sẽ đề cập từng vấn đề một nha
- Mở thẻ ngân hàng
Đầu tiên là tiền đâu 👍
Việc mở thẻ ngân hàng, không cần phải nói, là việc tối quan trọng. Câu hỏi bây giờ là “Chọn mặt gửi vàng, liệu bạn sẽ lựa chọn ngân hàng nào bên này có vẻ có tiếng và chất lượng ổn?”
Mình khuyên các bạn nên mở thẻ ngân hàng tại một trong các ngân hàng lớn như TD, RBC và CIBC. Khi các bạn chuyển tiền sử dụng e-transfer trong nội địa, các bạn chỉ mất cỡ 1-2 phút để chuyển tiền, trong khi các ngân hàng khác sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dịch vụ của các ngân hàng lớn này cũng tương đối tốt, và hiển nhiên là cái gì cũng có giá của nó.
Các bạn là sinh viên nên khi các bạn mở thẻ tại ngân hàng cần mang theo passport và study permit. Nếu bạn mở thẻ tại Quebec thì cẩn thận hơn nữa thì mang luôn CAQ, nhưng trong nhiều lần mình làm việc với TD thì mình chưa bao giờ phải show CAQ của mình.
Khi mở thẻ các bạn nên mở luôn một vài tài khoản, bao gồm:
- Tài khoản chequing – thẻ debit để các bạn chi tiêu thường ngày
- Tài khoản savings – để các bạn bắt đầu làm quen với việc tiết kiệm
Một điều mình cần nói luôn, nếu bạn không tự tin với khả năng quản lý tài chính của mình thì đừng mở thẻ tín dụng. Thật lòng mà nói khi sử dụng thẻ debit, có bao nhiêu tiền bạn sẽ tự lượng sức tiêu sài, chứ dùng thẻ tín dụng Credit quẹt quẹt mấy cú không khéo là mắc nợ.
Dành cho các bạn muốn lãi suất cao hơn
Như mình đề cập, cái gì cũng có giá của nó. Các ngân hàng lớn dịch vụ nhanh và chất lượng cao thì hiển nhiên lãi suất tiết kiệm cũng tương đối hẻo. Giống như ở Việt Nam, sử dụng thẻ Vietcombank là bảo đảm chất lượng nhưng lãi suất tiền gửi luôn ở mức thấp hơn các ngân hàng khác.
Để kiếm được mức lãi suất cao hơn các bạn có thể xem xét những hướng đi sau
- Mua chứng chỉ tiền gửi (GIC) tại các ngân hàng
- Tạo tài khoản tại các ngân hàng số. Nguyên nhân là các ngân hàng số này ít tốn tiền nhân công và ít tốn tiền thuê đất hơn các ngân hàng lớn.
Cả hai cái đều yêu cầu các bạn phải có số SIN. Nội dung tiếp theo mình sẽ nói cụ thể hơn.
Các bạn nên hỏi anh Google thêm về các loại thẻ để hiểu rõ những điều mình đề cập trên, mình xin phép không trả lời những câu hỏi về việc gửi tiền ở đâu, khi sang Canada sau một thời gian, các bạn có thể tự nghiên cứu quản lý tài chính cá nhân của chính mình.
- Lên kế hoạch chi tiêu
Tùy theo điều kiện gia đình các bạn tự đặt ra cho mình mức chi tiêu hợp lý.
Thông thường khoảng $1500 đến $2000 một tháng là phù hợp cho sinh viên, tùy vào nơi bạn sinh sống.
Cần phải tính những khoản bắt buộc (tiền nhà, tiền ăn, điện nước điện thoại internet, vé tháng), những khoản chi tiêu theo sở thích (đi ăn ngoài, mua máy chơi game, đi du lịch các kiểu) và những khoản tiết kiệm.
Ví dụ bạn có thể lên kế hoạch chi tiêu như thế này. Hiển nhiên số liệu các bạn sẽ khác tùy theo mức sống – cái này chỉ là ví dụ thôi
Khoản bắt buộc
- Tiền nhà – $750
- Tiền ăn – $400
- Điện thoại – $50
- Wifi – $50
- Vé tháng – $100
- Điện – $50
Tổng cộng $1400
Khoản sở thích
- Ăn ngoài $200
- Shopping $200
Tổng cộng $400
Tiết kiệm $200/tháng
Tổng chi cho một tháng là $2000
Chắc chắn là con số của các bạn sẽ không chẵn như thế này, đây chỉ là ví dụ để các bạn ước chừng được chi phí.
Cần phải tính những khoản chi phí phát sinh, ví dụ sắm sửa đồ dùng trong nhà, quỹ khẩn cấp phòng hờ bất trắc, .. nhưng mình sẽ không đi quá sâu vào mảng này.
Sẵn tiện mình nhắc lại, khi các bạn mới sang hay có thói quen đổi từ tiền Canada ra tiền Việt rồi thấy tiếc tiền, điều này đúng, nhưng khi các bạn quen với mức sinh hoạt và đã chuẩn bị sẵn tiền mặt trước khi đi thì từ từ các bạn sẽ bỏ thói quen đó thôi.
- Đăng ký môn học và làm thẻ xe buýt
Nội dung này mình gộp vào thành một, nguyên nhân là thường các bạn chỉ được đăng ký vé tháng sinh viên khi các bạn đang là sinh viên toàn thời gian tại trường, nói cách khác là sau khi các bạn đăng ký tín chỉ.
Việc đăng ký tín chỉ mỗi trường mỗi khác nên mình không đề cập ở đây. Thông thường khi các bạn đăng ký đủ chỉ cho kỳ học (thường là 4-5 môn) các bạn có thể in tờ giấy chứng nhận sv toàn thời gian (full-time) để đăng ký vé xe buýt tháng.
- Làm sim điện thoại
Đối với học sinh sinh viên nên sử dụng những nhà mạng giá cả phải chăng hơn, như là Fido hoặc Fizz hoặc Virgin mobile. Cả ba nhà mạng này đều là công ty con của các nhà mạng lớn – Rogers, Videotron và Bell – nên chất lượng đảm bảo nhưng giá cả hợp túi tiền hơn.
Bên này dịch vụ được bán theo gói và các bạn trả tiền theo mỗi chu kỳ. Cái này giống như những thuê bao trả sau ở Việt Nam.
Có ba thứ các bạn cần để ý khi đăng ký – tin nhắn, phút gọi và dung lượng data (4G đó).
Để nhẹ đầu thì các bạn cứ quất không giới hạn tin nhắn và phút gọi.
Dung lượng data – mấy bạn ở Việt Nam quen sử dụng data vô tội vạ sang bên này trả tiền data chết luôn – Canada là một trong những nước bán 4G đắt nhất thế giới. Khi đăng ký gói điện thoại cần xem kỹ gói của mình bao gồm bao nhiêu data.
Những điều cần lưu ý
- Giá thuê bao bên này có thể thỏa thuận được – nếu các bạn thấy gói dịch vụ của mình chưa được tốt, các bạn có thể gọi điện cho tổng đài để yêu cầu giảm giá hoặc chuyển sang plan tốt hơn. Các nhà mạng sẽ làm đủ trò để giữ chân các bạn.
- Các bạn cũng có thể theo chương trình trả góp điện thoại kèm thuê bao (còn gọi là plan đó) – nếu các bạn muốn đổi điện thoại khi sang đây có thể xem xét chương trình này. Ngoài việc trả tiền thuê bao hàng tháng các bạn có thể trả góp điện thoại trong vòng 2 năm để mua luôn điện thoại mới. Thông thường giá sẽ được ưu đãi hơn.
Ví dụ: bạn muốn mua điện thoại giá $1000 theo hình thức trả góp kèm thuê bao thì các bạn sẽ cần thanh toán tiền thuê bao (khoảng $45/tháng) và tiền góp điện thoại (cỡ $20-$30/tháng). Tổng lượng tiền cần thanh toán sẽ rẻ hơn là mua điện thoại riêng và thuê bao riêng. Tuy nhiên các nhà mạng cũng tính cả rồi, các bạn cần phải giữ gói điện thoại ở mức $40-50/tháng trong vòng 2 năm tròn nếu không họ sẽ yêu cầu các bạn trả hết tiền trả góp điện thoại ngay lập tức.
- Ra sở thuế lấy số SIN
Số SIN rất quan trọng ở Canada, nó giống như là căn cước công dân ở Việt Nam. Bạn cần số SIN để đi làm, để mở tài khoản tiết kiệm có lãi suất (như mình đã nói ở đầu video) và gần như tất cả mọi thứ.
Thủ tục làm số SIN rất đơn giản, mình sẽ để trang web trong phần mô tả để biết thêm thông tin chi tiết.
https://www.canada.ca/en/employment-social-development/services/sin/apply.html
Bài viết này mình không đề cập quá sâu các vấn đề nhưng đề cập ngay các nội dung “sống còn” để các bạn biết